Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 30km theo hướng về thành phố Hồ Chí Minh, thác Draynur có chiều dài 250m, nối liền địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Từ độ cao hơn 30m, dòng thác nghiêng mình đổ xuống sông sâu, tạo nên một bức tranh thiên nhiên huyền diệu và thơ mộng va vào vách đá tạo nên những âm thành trầm bổng, dạt dào.Thác “Draynur” mang nghĩa là thác Cái. Do vậy, danh thắng này còn được gọi là thác Vợ. Thác Draynur được ít người biết đến vì lầm tưởng nằm trong cụm thác Draysap nhưng thực ra khi đến đây dòng sông Serepok chia ra làm hai nhánh nhỏ đổ xuống hai dòng thác và nhập lại ở phía dưới, cách đó không xa.Nhìn từ xa, Thác Draynur như một bức tường nước khổng lồ, hàng ngàn sợi nước tung bọt trắng xóa quấn quít, đan xen lại với nhau tạo nên một cảnh đẹp lung linh, huyền ảo. Giữa đại ngàn kỳ vĩ, trùng điệp núi non, thác Dray Nur quyến rũ con người bởi vẻ đẹp tươi tắn, trong lành và những huyền thoại, truyền thuyết về sự ra đời của thác.
Chuyện kể rằng, xa xưa, tại nơi này, dòng sông Sêrêpốk chỉ một dòng chảy quanh co giữa đại ngàn xanh biếc. Hồi ấy, có một chàng trai buôn Kuốp đem lòng yêu tha thiết một cô gái bên kia sông. Nhưng vì họ là con của hai dòng tộc có mối hiềm khích lâu đời nên tình yêu của họ không được chấp nhận. Đau khổ vì tình yêu vô vọng, trong một đêm trăng, đôi trai gái cùng nhau gieo mình xuống dòng sông để mong được bên nhau mãi mãi. Đêm đó, trời đất bỗng tối sầm, dông bão nổi lên, nước sông sục sôi, cuồn cuộn, rừng núi thét gào. Sáng hôm sau, người ta thấy sông Sêrêpốk tách thành hai dòng, chia hai ngả, chia cắt đường qua lại giữa hai dòng họ, hai buôn làng. Hai nhánh sông ấy mang hai cái tên là sông Krông Ana (sông Cái) sinh ra ngọn Thác Draynur (còn được gọi là thác Vợ), và sông Krông Nô (sông Đực) sinh ra thác Dray Sáp (còn được gọi là thác Chồng).
Một truyền thuyết khác lại kể rằng, Thác Draynur và Dray Sáp là hai người anh em song sinh. Khi Mẹ Đất chuyển dạ, tại phía thượng nguồn, người anh Draynur ra đời trước, được nhận những đức tính hiền hòa của người mẹ nên quanh năm reo chảy êm đềm. Còn ở phía hạ nguồn, người em Dray Sáp ra đời sau thừa hưởng sự hùng dũng của người cha nên đổ dòng ầm ào, cuồn cuộn quanh năm suốt tháng.
Những du khách thích mạo hiểm thường tìm cách lách người qua vách đá cạnh dòng thác đổ để vào khoảng không gian mờ ảo bên trong rộng hàng ngàn m2, nơi xưa kia hoàng tử Nur hóa thân để cảm nhận làn hơi nước mát lạnh lan tỏa, hay giang tay nhảy từ chiếc cầu nhỏ vào vùng nước trong xanh dưới chân ngọn thác.Cũng từ Thác Draynur, du khách có thể dễ dàng vượt sông để đến chiêm ngưỡng Thác Dray Sáp và Thác Gia Long, những ngọn thác hùng vĩ và đẹp bậc nhất Tây Nguyên.
Comments are closed.