Theo các chuyên gia, muối là một trong những gia vị không thể thiếu trong bếp ăn của các gia đình, tuy nhiên, chúng ta sẽ mắc nhiều bệnh nguy hiểm nếu ăn quá mặn.
Ăn quá mặn gây tăng huyết áp
Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM tâm sự, rất nhiều bệnh nhân đến than phiền cảm thấy mệt mỏi, mặt đỏ. Khi đo huyết áp thì đã lên 160 – 170 và tất cả đều không biết mình bị tăng huyết áp.
Trong khi đó, nguyên nhân tăng huyết áp mà hầu như người dân Việt mắc phải đó là ăn quá mặn khiến huyết áp “quả tải”.
Hiện nay, bệnh lý tim mạch đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp. PGS Nam cho biết, nếu ngày xưa bệnh lý này chỉ ở tuổi xế chiều thì đến nay bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Nhiều người trẻ 25 – 30 tuổi đã bị cao huyết áp, trong đó có tới 70% người trẻ không có dấu hiệu gì của bệnh lý huyết áp cao mà chỉ tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM
Trong khi đó, tăng huyết áp là bệnh mạn tính, được các bác sĩ xem như kẻ giết người thầm lặng vì bệnh tiến triển khó nhận biết. Tăng huyết áp có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, suy thận …
Anh Nguyễn Văn Nhân – trú tại Hoàng Mai, Hà Nội tâm sự, gần đây, anh thấy mặt đỏ phừng phừng kèm theo những mệt mỏi nên anh đi kiểm tra sức khỏe. Tại bệnh viện bác sĩ đo huyết áp thì huyết áp của anh lên tới 160 mmHg.
Ở người bình thường, chỉ số huyết áp sẽ ở mức 120/80 mmHg. Anh Nhân kể, từ trước tới nay anh cũng ít đi kiểm tra sức khỏe vì nghĩ mình còn trẻ mới ngoài 30 thì làm sao mà tăng huyết áp được.
PGS Nam cho biết ngoài rối loạn mỡ máu, béo phì , thừa cân, hút thuốc lá, bia rượu thì nguyên nhân gây bệnh lý tăng huyết áp còn do ăn mặn.
PGS Nam nhấn mạnh, chế độ ăn mặn làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và dẫn đến tăng huyết áp.
Hệ luỵ khôn lường từ thói quen ăn mặn
Muối không chỉ gây tăng huyết áp, tại Việt Nam cứ 10 người chết thì có 7 người là do các bệnh không lây nhiễm. Năm 2017 cả nước có trên 541.000 trường hợp tử vong, thì tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 76% (411.600 ca).
PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh không lây nhiễm, trong đó có yếu tố nguy cơ từ chế độ dinh dưỡng không hợp lý như thừa cân, ăn ít rau/trái cây, thiếu hoạt động thể lực có xu hướng tăng nhanh và đặc biệt ăn quá nhiều muối.
PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Ăn mặn thường xuyên sẽ làm loét dạ dày, tá tràng, suy thận, tăng huyết áp và dẫn đến các bệnh tim mạch, đột quỵ
Tại các nước phát triển, 77% lượng muối đưa vào cơ thể thông qua thực phẩm chế biến sẵn, ăn uống tại nhà hàng khách sạn. Tại Việt Nam tỷ lệ này chỉ 20%, tỷ trọng lớn nhất là muối gia đình nấu ăn.
Nguyên nhân chủ yếu là do tập quán ăn uống từ lâu đời với đủ các loại dưa cà mắm muối… khiến người dân có thói quen ăn mặn.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, muối là natri là chất điện giải quan trọng có vai trò điều hòa áp lực thẩm thấu, cân bằng thể dịch và cân bằng axit – bazơ; có vai trò chính trong hoạt động điện sinh lý trong cơ, thần kinh và chống lại các yếu tố gây sức ép lên hệ thống tim mạch.
Vai trò của natri với cơ thể rất quan trọng, nó giúp trong quá trình vận chuyển tích cực các nguyên liệu chuyển hóa qua màng tế bào, trao đổi ion của tế bào. Nhu cầu muối của cơ thể trẻ từ trên 10 tuổi và người trưởng thành dưới 50 tuổi là 1.500 mg/ngày. Người cao tuổi nhu cầu giảm đi. Natri được đào thải qua mồ hôi, nước tiểu, phân và các dịch tiết khác của cơ thể.
Đối với khẩu phần ăn được chế biến bằng thực phẩm tươi, không sử dụng thực phẩm có bảo quản bằng muối hoặc chế biến sẵn; không cho thêm muối, mắm, bột gia vị…trong quá trình chế biến hoặc sử dụng; khẩu phần này sẽ có tối đa là 1g muối/ngày (tương đương 400mg natri). Do đó nguồn natri đưa vào cơ thể chủ yếu từ muối ăn và các loại gia vị chứa muối.
Nhu cầu khuyến nghị hàng ngày là 6g muối ăn cho người trưởng thành. Tuy nhiên hiện nay, theo thói quen người dân vẫn sử dụng số lượng lớn hơn so với nhu cầu (6-10g/ngày).
Nếu ai bệnh lý như tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận, suy tim…; thừa natri sẽ làm bệnh nặng lên, gây biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt, bệnh nhân đã bị bệnh thận nếu ăn nhiều muối sẽ suy sụp nhanh hơn, ngược lại nếu ăn ít muối thì chức năng thận được cải tạo tốt hơn. Không chỉ có thế muối còn là nguyên nhân dẫn đến sỏi thận , thận nhiễm mỡ.
Trí thức trẻ
Comments are closed.