Đồi cỏ vàng xã Glar: Từ trung tâm TP. Pleiku, bạn chạy xe thẳng quốc lộ 19 tới bùng binh trung tâm thị trấn Đắk Đoa, rẽ phải là đường vào xã Glar. Đi vào khoảng 500 m, bạn sẽ bắt gặp cảnh đẹp hoang sơ, yên bình của đồi cỏ cháy. Ảnh: Huyen Chen.

Thời tiết Phố núi Pleiku chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, đồi cỏ hồng ở xã Glar biến thành đồi cỏ vàng cháy rộng mênh mông. Nắng chiều hoàng hôn nhuộm lên cánh đồng cỏ môt màu vàng mật rực rỡ, lạc đến đây du khách sẽ không thôi trầm trồ, thương nhớ. Ảnh: Huyen Chen.


Biển hồ chè: Biển hồ chè là địa điểm bạn không nên bỏ qua khi đặt chân tới Pleiku. Địa điểm có sự kết hợp giữa hồ nước thủy lợi và đồi chè xanh ngát. Bất cứ du khách nào đến đây đều có cảm giác thoải mái, bình yên khi đứng giữa vườn chè thênh thang, tận hưởng làn gió mát rượi và không khí trong lành nơi đây. Ảnh: Huyen Chen.

Chùa Bửu Minh: Ngôi chùa nằm giữa đồi chè tọa lạc ở xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai), cách trung tâm thành phố Pleiku hơn 15 km về phía bắc. Chùa có kiến trúc Phật giáo độc đáo, gần như hình vuông, mái cong mềm, có độ dốc như mái nhà rông Tây Nguyên. Ảnh: Huyen Chen.

Mùa cao su trút lá: Tôi tưởng như mình đang đi trên con đường đất đỏ lãng mạn của trời Âu pha lẫn màu nâu của thân cây cao su, bầu trời xanh biếc và điểm xuyết lá vàng, úa đỏ sắp rơi, rụng trở về đất mẹ thiên nhiên. Ảnh: Huyen Chen.

Công nhân nông trường cạo mủ cao su. Ảnh: Huyen Chen.

Con đường thông thơ mộng: Một nét đẹp khác khi ta nhớ về phố núi là bạt ngàn những hàng thông cao vút, vươn thẳng lên bầu trời đón nắng vàng lộng lẫy trải dài khắp hai bên đường. Ảnh: Huyen Chen.

Biển hồ T’Nưng: “Đôi mắt Pleiku” chính là biển hồ T’Nưng, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km. Mặt hồ xanh trong màu ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên. Đường xuống hồ đẹp, uốn lượn được bao phủ bởi nhiều hàng thông xanh ngút ngàn. Thiên nhiên hữu tình, thơ mộng đã quyến rũ nhiều bạn trẻ đến tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Ngô Thành Công.

Đầu năm du khách có thể ghé thăm buôn làng và tham gia nhiều lễ hội văn hóa của người Ba Na, người Gia Rai như lễ hội đâm trâu, hội đua voi, lễ bỏ mả… Khi đêm xuống, giữa đại ngàn bao la, bạn sẽ cảm nhận được hơi ấm tình người, hiếu khách của đồng bào Tây Nguyên. Sẽ thật may mắn cho bạn được nghe già làng kể chuyện về truyền thuyết hồ T’Nưng, về buôn làng, thưởng thực rượu cần cay nồng xen lẫn vị ngọt của núi rừng. Ảnh: Ngô Thành Công.

Comments are closed.