6h30′
Thưởng thức phở khô hai tô Ngọc Lý một ly cafe nguyên chất đậm chất Pleiku nhất. Nếu như phở thông thường có bánh phở và nước dùng cùng chung một tô, thì phở khô Gia Lai được phục vụ với hai tô, một đựng phở (bánh tròn mảnh trông như sợi hủ tíu), một là nước lèo. Người ăn sẽ thưởng thức phở riêng, rồi húp một ngụm nhỏ nước lèo, ăn kèm rau sống và một chút tương đen đặc biệt.
8h
Thăm quan nhà tù Pleiku nằm gần công viên Diên Hồng. Nhà tù này được xây dựng từ năm 1925, mục đích giam giữ các tù nhân trong đó chủ yếu là những người dân tộc. Ngày nay đây là điểm du lịch có tiếng trong thành phố.
9h
Khởi hành thăm quan Biển Hồ nằm cách trung tâm thành phố chừng 7km về hướng Bắc. Đây cũng là địa danh nổi tiếng nhất Pleiku đi vào trong lời ca tiếng hát “đôi mắt Pleiku Biển Hồ đầy”. Vốn là miệng một ngọn núi lửa khổng lồ ở độ cao 800m, Biển Hồ là hồ nước cung cấp nước ngọt cho thành phố, cũng như là vựa tôm cá, lá phổi xanh rất quan trọng của Tây Nguyên hiện nay.
Biển Hồ còn có tên gọi khác là hồ Tơ Nưng, quanh năm đầy ắp nước và xanh ngắt màu ngọc bích. Con đường dẫn xuống hồ đẹp như tranh, hai bên là những rặng thông rất thơ mộng, là điểm ngắm cảnh cũng như đón gió mát, không khí trong lành của phần đông người dân bản địa cũng như du khách đến với Pleiku.
10h30
Tiếp tục hành trình bằng việc đi xe máy du ngoạn một vòng lên phía Bắc để đến với mặt bên kia của hồ, vẫn thường được gọi tên Biển Hồ Chè. Sở dĩ có tên gọi vậy do đây là nơi tập trung rất nhiều nương chè cùng những đồn điền chè từ thời Pháp thuộc, ngày nay vẫn là một nguồn thu quan trọng của nhân dân trong huyện Chư Păh.
Dẫn vào đồi chè có một con đường nhỏ, hai bên đường hàng thông lá kim phủ kín. Một khung cảnh đẹp như trong bối cảnh bộ phim Hàn Quốc, là điểm chụp ảnh cưới nổi tiếng cũng như điểm dừng chân ưa thích của phần đông giới trẻ Gia Lai.
Và nhớ đừng bỏ qua chùa Bửu Minh nằm cuối con đường, bao quanh là những nương chè xanh mướt mắt. Mang tâm linh của bao thế hệ nhân dân trồng chè quanh vùng, chùa Bửu Minh sau bao thăng trầm tu sửa, đến nay đã gắn bó với mảnh đất trữ tình này trên 50 tuổi.
11h30
Ẩm thực luôn là một phần quan trọng của một chuyến đi. Đến với Pleiku bạn nhất định phải một lần thưởng thức đặc sản gà nướng của người dân tộc Jarai. Có rất nhiều quán nướng Jarai trong thành phố, nhưng hấp dẫn nhất nổi tiếng nhất phải kể đến quán Gà nướng Plei Têng kế bên Biển Hồ, thuộc làng Têng, xã Tân Sơn. Gà ở đây được nướng quay tròn bên bếp nướng lộ thiên là một đống than rừng rực cháy đỏ. Xung quanh đống than là những con gà đã làm sạch cắm vào những thanh tre theo chiều thẳng đứng.
13h30
Một điểm đến mới được khám phá gần đây tại Gia Lai chính là ngọn núi lửa Chư Đăng Ya, thuộc xã cùng tên Chư Đăng Ya, nằm cách điểm ăn trưa chừng 30p xe máy. Mùa này ngọn núi lửa đã không còn đẹp như thời điểm tháng 11-12 phủ kín dã quỳ trên đỉnh núi, nhưng đường đến đây mùa này sẽ đi qua một loạt nương rẫy đồn điền cafe đang mùa ra hoa rực rỡ nhất.
“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật”, là câu hát chỉ Tây Nguyên vào mùa hoa cafe thơm nức. Hoa cafe có màu trắng và hương thơm quyến rũ nhè nhẹ, rất giống hương thơm dịu dàng của hoa ngọc lan ngoài Bắc. Nếu may mắn bạn sẽ bắt gặp “tiên cảnh” với hàng đàn hàng đàn bướm đậu kín quốc lộ vào mùa hoa cafe này.
Đâu đó một vài cây cafe đã ra đậu trái chín mọng cả cành…
15h
Trở về thành phố Pleiku theo tuyến đường Chư Đăng Ya – thị trấn Đăk Đoa – huyện Đăk Đoa – thành phố Pleiku với tổng chiều dài 35km. Đây cũng là một điểm đến mới nữa dành cho các bạn trẻ yêu thích chụp ảnh, là thiên đường đồi cỏ hồng nổi tiếng giống như trên Đà Lạt. Đây là loài cỏ dại có màu hồng (thường được gọi là cỏ đuôi chồn), mọc thành từng cụm với sức sống mãnh liệt, dẻo dai, tạo nên khung cảnh thơ mộng đẹp như mơ.
Đăk Đoa cũng là nơi có diện tích trồng cao su khá rộng của tỉnh Gia Lai bên cạnh huyện Chư Sê. Sẽ thật đặc biệt nếu bạn được ngắm nhìn những cánh rừng cao su uốn lượn trên những triền dốc dựng đứng mang một màu đỏ quạch đặc trưng đất đỏ bazan, một vẻ đẹp rất đặc trưng Tây Nguyên.
Tối
Với thời tiết se se lạnh của phố núi Pleiku thì chẳng có món lai rai nào phù hợp hơn món lụi nướng. Đây là món ăn chơi quen thuộc của người Gia Lai, “lụi” có nghĩa là xiên nướng. Lụi nướng thường có 2 loại là lụi bánh tráng và lụi thịt nướng. Lụi bánh tráng thì được làm từ thịt xay, bún khô sau đó được cuốn vào lớp bánh tráng mỏng rồi nướng lên. Còn lụi thịt nướng thì được làm từ thịt heo hoặc thịt bò, được dùng kèm với tương đậu hay tương me, tùy người ăn.
Ngoài ra có thể kể đến các món ăn khác: bún cua, miến gà hoặc các món lẩu lai rai cũng rất hợp lý trong tiết trời rất dễ chịu mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Pleiku này.
Comments are closed.