Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Những nét đẹp đơn sơ mộc mạc của nơi đây không chỉ xuất phát từ núi rừng đại ngàn, mà còn bởi nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.
Hoạt động văn hóa tại buôn Jun
Buôn Đôn
Buôn Đôn cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 40km, là điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến với Đắk Lắk. Buôn Đôn có nghĩa là làng Đảo, bởi địa điểm của nó được người dân địa phương xem như một ốc đảo của sông Sêrêpốk nổi tiếng. Nơi đây được biết đến bởi nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi; ngày nay, Buôn Đôn càng nổi tiếng với du khách quốc tế. Đến với Buôn Đôn, du khách sẽ được trải nghiệm hoạt động cưỡi voi vượt sông Sêrêpốk, khám phá Vườn quốc gia Yok Đôn hay chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của thác nước 7 nhánh. Đặc sắc nhất ở Buôn Đôn phải kể đến lễ hội đua voi đã trở thành truyền thồng của đồng bào dân tộc nơi đây.
Vườn quốc gia Yok Đôn
Vườn quốc gia Yok Đôn cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 40km về phía Tây Bắc. Vườn quốc gia Yok Đôn trải rộng trên địa bàn 4 xã, 3 huyện 2 tỉnh: xã Krông Na (huyện Buôn Đôn), xã Ea Bung và Chư M’Lanh (huyện Ea Súp) tỉnh Đắk Lắk; xã Ea Pô (huyện Cư Jút) tỉnh Đắk Nông. Nơi đây được xem là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất của Việt Nam. Điều hấp dẫn du khách khi tới đây là cảnh quan hoang sơ của núi rừng; những cánh rừng đại ngàn của vườn quốc gia Yok Đôn thuộc hệ sinh thái rừng khộp của Tây Nguyên, mang đặc tính của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi cư trú của 62 loài động vật, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 13 loài lưỡng cư và 464 loài thực vật, phần lớn là ngọc lan. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của Đông Dương, Yok Đôn có tới 38 loài, trong đó 17 loài có tên trong sách đỏ thế giới.
Du khách cưỡi voi dọc sông Sêrêpốk
Tháp Chăm Yang Prông
Tháp Chăm Yang Prông nằm ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp. Tháp còn có tên là tháp Chàm Rừng Xanh thờ thần Siva dưới dạng Mukhalinga, vị thần vĩ đại theo quan niệm của người Chăm Pa xưa. Đây là là một trong những công trình cổ duy nhất còn sót lại của người Chăm Pa cổ tại vùng đất Tây Nguyên. Ngôi tháp Chăm cổ duy nhất ở Tây Nguyên, nằm bên dòng sông Ea H’leo, cách thành phố Buôn Ma Thuột gần 100km. Toàn bộ tháp Yang Prông được xây bằng gạch nung đỏ trên một nền cao bằng đá xanh. Tháp cao 9m, có đáy vuông, mỗi cạnh dài 5m; chỉ có một cửa ra vào mở về hướng Đông, còn ba mặt tường ngoài của tháp đều có 3 cửa giả; đỉnh tháp nhọn khá đặc biệt, khác với các kiến trúc các tháp Chăm thường thấy ở các nơi khác. Tháp Yang Prông là một di tích văn hóa có giá trị ở Tây Nguyên.
Thác Đray Nur – Gia Long
Nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột chừng 25km về hướng Nam, thác Đray Nur hiện được xem là thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên, là sự kết hợp giữa 2 dòng sông, sông Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực); hai dòng sông hòa trộn quấn quýt bên nhau tạo thành dòng sông Sêrêpốk huyền thoại ở Tây Nguyên. Thác có chiều dài trên 250m, chiều cao trên 30m nối liền đôi bờ 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Đến với thác Đray Nur, du khách còn tìm được những cảm giác mạnh khi chui vào hang đá bên trong lòng thác, đi cầu treo hoặc thăm đời sống sinh hoạt của buôn làng, khai thác văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc ở buôn Kuốp.
Thác Gia Long cũng là một trong những con thác trên dòng Sêrêpốk thuộc địa phận xã Dray Sáp, huyện Krông Ana. Con thác này khá rộng và đẹp. Không những vậy nó còn ghi dấu ấn của sự tàn độc và bóc lột của thực dân Pháp qua cây cầu bắc ngang qua sông Ea Krông. Năm 1930 – 1933, thực dân Pháp đã huy động dân phu và tù nhân ở đây lao dịch hết sức cực nhọc gian khổ, dưới sự tra tấn dã man để xây dựng cầu treo này. Đến đây du khách sẽ cảm nhận được sự kỳ diệu của sức người khi có thể hoàn thành xong cầu treo này.
Hoàng hôn trên hồ Lắk
Hồ Lắk
Hồ Lắk nằm bên thị trấn Liên Sơn (Lạc Thiện) huyện Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56km về phía Nam. Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, lớn thứ hai Việt Nam (sau hồ Ba Bể của Bắc Kạn). Theo truyền thuyết, hồ Lắk được tạo ra bởi anh hùng Lắk Liêng người dân tộc M’Nông. Xung quanh hồ có những dãy núi lớn được bao phủ bởi các cánh rừng nguyên sinh. Hồ được thông với con sông Krông; được xem là địa điểm du lịch chèo thuyền thú vị cho du khách. Du khách đến đây còn được thưởng thức những nét văn hóa Tây Nguyên như điệu múa lửa, múa ngày mùa, diễn xướng cồng chiêng, biểu diễn đàn t’rưng, k’lông pút, đàn đá; cưỡi voi hoặc dùng thuyền độc mộc đi dạo trên hồ. Đặc biệt, ngắm hoàng hôn trên hồ Lắk là một điều rất tuyệt vời.
Khám phá buôn Jun
Tựa mình bên hồ Lắk thơ mộng, buôn Jun vẫn mang đầy đủ các đặc điểm của một Tây Nguyên hoang sơ, như một thiếu nữ miền sơn cước. Đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn với lối kiến trúc mang đậm cổ truyền Tây Nguyên. Dạo quanh buôn làng, ngắm nhìn những cô gái ngồi dệt thổ cẩm bên khung, hay nhâm nhi rượu cần thì chắc hẳn sẽ làm cho du khách không nỡ rời bước chân đi.
Buôn Ako Dhong
Buôn Ako Dhong nằm ngay sát trung tâm TP Buôn Ma Thuột về phía Bắc, chỉ cách khoảng 2km. Buôn Ako Dhong hay còn được biết đến với tên gọi khác là Cô Thôn; có số dân gần 300 người với hơn 30 hộ, đa số là các dân tộc Ê Đê, M’Nông… Ako Dhong tiếng Ê Đê là lũng đầu nguồn. “Buôn lũng đầu nguồn” ăn nước con suối Ea Nhôn, có tiếng là buôn giàu có, còn được gọi là “Buôn nhà ngói”; là nơi thu hút nhiều lượt khách du lịch đến thăm. Khi tới đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng không gian văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, mà còn có thể được thưởng thức các lời ca, điệu nhạc đầy hấp dẫn, mang đậm nét đẹp của núi rừng bình dị.
Thanh hoàng tổng hợp
Comments are closed.