1. Chùa pháp hoa

Chùa Pháp Hoa tọa lạc ngay trung tâm thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, diện tích khoảng 800m2 được xây dựng vào năm 1957, với hai phần là chính điện và tháp 5 tầng. Kiến trúc ngôi chùa được mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên, đồng thời xen lẫn với kiến trúc nhà vườn, tạo nên khung cảnh thanh tịnh và là hội tụ của bà con phật tử.

Chùa được xây dựng trên một ngọn đồi, cổng chính của chùa quay về hướng Đông Nam nhìn ra trục đường Hùng Vương, phía trước mặt là thung lũng.

Khi đứng trên khuôn viên nhìn xuống, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một phong cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ, với những dãy núi nhấp nhô nối tiếp nhau, cây cối xanh tươi chập chùng…..Vào bên trong chùa, có thể chiêm ngưỡng pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa lạc trong một khoảng không gian rộng rãi, được che phủ bởi hai cây phượng lâu năm. Chánh điện chính của chùa có diện tích 160m2, bên cạnh là ngôi tháp hình tròn có năm tầng. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn được trang trí nhiều loại cây cảnh và nhiều loại hoa khác nhau, được sắp xếp hài hòa tạo cho mọi người những cảm giác thanh tịnh và yên tĩnh.

2. Thác Đắk Buk So

Dòng thác Đắk Buk So hiền hòa bắt nguồn từ khu vực hồ Thôn 2, xã Đăk Buk So hòa cùng nguồn nước từ các khe suối khác chảy qua thung lũng xen trong những ngọn đồi. Nằm giữa khung cảnh thiên nhiên mát mẻ và còn hoang sơ trong vùng không gian văn hóa độc đáo, thác Đắk Buk So là địa điểm tiềm năng để khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái-du lịch cộng đồng của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. 

Điểm đặc biệt để thác Đắk Buk So trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn du khách là vùng không gian văn hóa đặc sắc nơi Thác tọa lạc. Nằm gần địa giới của 02 bon là: Bu Boon và Bu N’drung xã Đắk Buk So với 95% dân số là người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là dân tộc M’Nông-tộc người còn lưu giữ những bộ sử thi, truyền thuyết và tập tục độc đáo mà du khách đều muốn khám phá. Những nghệ nhân âm nhạc dân gian nơi đây còn có thể chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc mà từ lâu đã là niềm tự hào của đất và người Tây Nguyên như các bộ cồng chiêng, đàn đá. Để rồi, cứ mỗi độ tết đến, xuân về hay trong những lễ hội độc đáo còn nguyên chất dân gian của bon làng như: lễ cúng đốt rẫy, lễ xuống hạt và lễ mừng cơm mới, lễ đem rơm về nhà… cả bon làng lại quây quần bên ché rượu cần, cầm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa bập bùng theo nhịp cồng chiêng rộn ràng và thưởng thức những món ngon đặc sản của núi rừng. Đến Đắk Nông và được hòa mình trong bầu không khí ấm áp của những lễ hội này, sẽ đọng lại khoảnh khắc khó phai trong lòng du khách dù chỉ một lần ghé thăm.

Những nét văn hóa độc đáo và tiềm năng tự nhiên hiếm có ấy là lợi thế để phát triển khu thác Đắk Buk So thành điểm du lịch sinh thái – văn hóa theo hình thái du lịch cộng đồng-một hướng phát triển du lịch hiệu quả của thế giới ngày nay. Cùng với những ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư, Đắk Nông đang hứa hẹn nhiều cơ hội triển vọng phát triển du lịch tại tỉnh nhà nói chung và thác Đắk Buk So nói riêng.

3. Hồ Ea Snô

Hồ Ea Snô là một hồ nước tự nhiên còn hoang sơ, có phong cảnh sơn thủy hữu tình tọa lạc trên vùng đất thuộc xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô, cách thị xã Gia Nghĩa 125km theo hướng đi thành phố Buôn Ma Thuột.

Hồ Ea Snô là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú với diện tích mặt hồ rộng hơn 80ha. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, mặt hồ tựa chiếc gương bạc khổng lồ lấp lánh. Bao quanh mặt hồ lấp lánh ấy là một màu xanh ngút ngàn của những ngọn đồi nhấp nhô, bóng xa xa là núi rừng hùng vĩ. Xung quanh hồ là những cánh rừng đặc dụng với nhiều loại cây, loài thú hiếm như: rắn, ba ba, khỉ, nai, heo rừng, trăn, … Nhờ diện tích mặt hồ rộng nên hồ Ea Snô có một hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng, với các loài động vật như: tôm, tép, cua, cá, ốc, ba ba…

Khi ghé thăm hồ Ea Snô, du khách sẽ được du thuyền trên mặt hồ để thưởng ngoạn cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng, thả hồn theo làn gió mát rượi để xua tan những lo toan, vướng bận của cuộc sống bộn bề. Từ cửa hồ, có thể du thuyền ra sông Krông Nô rồi xuôi về thác Gia Long, Đ’ray Sáp hay ngược dòng để lên Buôn Choah thăm quê hương người anh hùng cách mạng Nơ Trang Gưh. Bạn còn có thể theo dòng Krông Nô qua dòng Krông Na để về Hồ Lăk hay đến vùng Ea Rbine của Đăk Lăk để tham quan các buôn làng như: Buôn Ol, buôn Coah, buôn Leng –  nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về Hồ Ea Snô.

4. Đray sap – Thác khói hùng vĩ

Thác Đray Sáp là thác hạ nguồn trong hệ thống 3 thác Gia Long – Đray Nur – Đray Sáp của sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30km.

Thác cao khoảng 50m, nhưng trải dài gần 100m, chặn ngang dòng sông Sêprêpôk. Có thể nói, đây là ngọn thác đẹp và hùng vĩ nhất Tây Nguyên. Theo tiếng Ê Đê, Đray Sáp nghĩa là thác khói. Theo lời giải thích của người dân nơi đây, sở dĩ thác có tên như vậy vì nó gắn liền với truyền thuyết nàng H’mi xinh đẹp khi đang ngồi tự tình với người yêu bên con thác thì bị quái vật nuốt chửng, biến thành những cột khói khổng lồ, còn chàng người yêu ngày đêm ngồi bên bờ suối than khóc nàng đã biến thành một gốc cây lớn vươn cánh tay lên trời và cắm sâu vào ghềnh đá.

Ngọn thác Đray Sáp ầm ầm tuôn trào suốt ngày đêm bên những vách đá sừng sững – bệ bám của hàng thăm loài dây leo như những con trăn dài khổng lồ nằm vắt vẻo lưng chừng núi. Xung quanh thác là khu rừng đặc dụng có giá trị sinh học cao.

Thác Đray Sáp được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là bộ VH-TT-DL) xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1991.

5. Hùng vĩ thác Gia Long

Thác Gia Long là thác thượng nguồn nằm trong hệ thống ba thác Đray Sáp – Gia Long – Trinh Nữ của sông Sêrêpôk chảy qua địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngọn thác này có tên Gia Long bởi khi xưa vua Gia Long đã từng đến đây để nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng. Ông đã cho xẻ núi, phá rừng làm một con đường rất đẹp dẫn vào thác. Ông còn có ý định bắc một cây cầu treo qua thác, nhưng không hiểu vì sao mà cây cầu mới xây hai hố đành bỏ dở, chứng tích vẫn còn đến ngày hôm nay.

Thác có độ cao khoảng 40m, chiều dài 40m, chiều rộng mặt thác khoảng 30m, độ dốc 900. Cạnh thác là hồ tắm tiên rộng 80m2 và một hang động tự nhiên rất đẹp. Sau một hành trình khám phá rừng đặc dụng và cảnh quan thác, du khách sẽ hòa mình với dòng nước trong xanh và mát mẻ tại hồ tắm tiên để thưởng thức nét đặc sắc riêng của núi rừng Tây Nguyên.

6. Thác Trinh Nữ

Nằm ở trung tâm thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jut, không hùng vĩ như thác Đray Sáp hay Gia Long, thác Trinh Nữ thơ mộng, nhẹ nhàng ẩn mình dưới những phiến đá ngầm đang là một trong những địa điểm thu hút khách thập phương đến du ngoạn và ngắm cảnh.

Theo những con đường bằng đá uốn lượn quanh ngọn thác, du khách có thể nghỉ chân trong những chiếc chòi mái lá xinh xắn, nghe kể câu chuyện về người con gái đã gửi thân mình vào dòng nước bạc khi chuyện tình yêu gặp trắc trở.

Sự hấp dẫn của thác không chỉ bởi câu chuyện huyền thoại mà còn là vẻ đẹp của đá, rừng cây, thác nước và khí hậu trong lành. Không chỉ câu cá hoặc cưỡi voi đi ngắm cảnh, du khách cũng có thể vào ngủ ở các nhà chòi lợp tranh, mái nứa hay nằm chênh vênh trên các mỏm đá, được nghe tiếng chim gọi đêm lẫn trong âm thanh thác chảy và thưởng thức cái tĩnh lặng của đất trời khi cả khu rừng chìm vào giấc ngủ.

Đặc biệt, nơi đây còn có di sản địa chất Trinh Nữ với những tảng đá banzan lớn có kết cấu như than đá, mang những hình thù kỳ dị. Đến với thác Trinh Nữ, du khách còn được thưởng thức các món ăn đặc sản Tây Nguyên như cơm lam, thịt nướng, canh cá lăng với lá giang…; bàn ghế được làm từ gỗ có hình dáng tự nhiên cũng tạo nên một cảm giác khá hấp dẫn. Nhà nghỉ cũng như toàn bộ các công trình được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và trang trí theo kiểu nhà dài truyền thống của người Ê Đê và M’nông ở Tây Nguyên. Di sản địa chất Trinh Nữ đang được Bảo tàng địa chất VN nghiên cứu và xây dựng thành Công viên địa chất.

7. Khu du lịch sinh thái – văn hóa – lịch sử Nâm Nung

Từ thị xã Gia Nghĩa theo Quốc lộ 14 khoảng 28km về hướng Buôn Ma Thuột, sau đó rẽ phải theo tỉnh lộ 6 khoảng 17km về hướng xã Quảng Sơn, huyện Đăk Glong, hoặc từ thị trấn Ea T’ling huyện Cư Jut, theo đường tỉnh lộ 4 khoảng 20 km, qua thị trấn Đăk Mâm vào địa phận xã Nâm Nung, du khách sẽ đến Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung nằm trên độ cao 800m so với mặt nước biển.

Là một phần của Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, khu du lịch sinh thái – văn hóa –lịch sử Nâm Nung thuộc địa giới hành chính của 5 xã gồm: Nam Nung, Nâm N’Đia, Đức Xuyên (huyện Krông Nô), xã Quảng Sơn (huyện Đăk Glong) và xã Nâm N’Jang (huyện Đăk Song). Với diện tích khoảng 12.300 ha, đây là khu du lịch nhiều tiềm năng cả về tài nguyên thiên nhiên lẫn giá trị nhân văn.
Khung cảnh hoang sơ, yên tĩnh, đầy chất thơ, nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách mỗi khi muốn trở về với thiên nhiên. Đây cũng là điểm du lịch lý tưởng với những công trình kiến trúc độc đáo, hội tụ nét đẹp văn hóa của đất và người Tây Nguyên. Lên đỉnh ngọn núi cao nhất – đỉnh Nâm Nung cao hơn 1.500m, du khách sẽ được phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cả cao nguyên M’nông hùng vĩ. Đỉnh Nâm Nung sẽ là điểm du lịch dã ngoại lý tưởng cho những ai thích khám phá và mạo hiểm.

8. Hồ Tây điểm du lịch hấp dẫn tại thị trấn Đắk Mil

Du khách có dịp về Đăk Mil, xin mời nghé thăm Hồ Tây ở ngay trung tâm thị trấn. Hồ Tây Đăk Mil có diện tích khoảng 40ha, từ trung tâm huyện, một vùng lòng hồ rộng chảy dài theo hướng Tây, khoảng 2km. Hồ bắt đầu chia làm hai nhánh chạy dài theo quốc lộ 14 ôm bọc lấy qủa đồi cà phê xanh đẹp như một ốc đảo. Những con đường sinh thái mát mẻ, rộng dài chạy quanh hồ. Một số công trình vui chơi giải trí gần như được hoàn thiện. Cứ mỗi buổi sáng tinh mơ, hay chiều tà dịu nắng từng đoàn người nối nhau chạy thể dục, hay đi bộ dạo chơi, hít thở không khí trong lành chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng. Hồ Tây còn là nơi cung cấp một lượng nước sạch rất lớn cho cả huyện và là nguồn lợi lớn về thuỷ sản. Đêm đêm, những ngọn đèn đánh bắt tôm, cá cùng với những ngọn đèn hoa đăng lấp lánh vây kín vùng hồ trông tuyệt đẹp.

Những ngọn đồi quanh Hồ Tây trong tương lai sẽ là những vườn cây ăn quả, du lịch sinh thái quanh hồ dành cho du khách. Những nhà hàng thuỷ tạ mát mẻ, sang trọng những chiếc cầu vồng nhiều màu sắc vượt qua lòng hồ đến những mỏm đồi, những chiếc ca nô cao tốc, những chiếc thuyền thiên nga xinh đẹp của những chàng trai cô gái lướt trên lòng hồ thoả thích, ngắm nhìn bầu trời bao la, thiên nhiên kỳ thú.

9. Điểm du lịch Hồ Trúc
Điểm du lịch Hồ Trúc
Điểm du lịch Hồ Trúc rộng 70ha, nằm trên địa phận thôn 1, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut, tỉnh Đăk Nông. Cách Tx Gia Nghĩa hơn 90 km về hướng Buôn Mê Thuột theo đường Quốc lộ 14. Là hồ nước tự nhiên có diện tích mặt nước khoảng 2ha, có thảm thực vật và cây xanh bao quanh khiến cho nơi đây thực sự thoáng mát. Cách QL 14 gần 1km tính từ ngã 3 chợ Cư Jut, đây là khu vực đông dân cư song trong khuôn viên của điểm du lịch là một bán đảo nhiều cây xanh tạo nên một không gian yên tĩnh và mát mẻ, có thể ra đảo bằng chiếc cầu treo bắc qua mặt hồ. Ngay cạnh hồ là buôn của người dân tộc Ê Đê và nhiều dân tộc bản địa sinh sống, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

10. Thác Đắk G’lun – Người đẹp giữa đại ngàn

Thôn 5, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Thác nằm cách đường biên giới CPC hơn 40km. Từ TX Gia Nghĩa đến thác Đak G’lun có thể đi theo hai đường chính: Từ TX gia Nghĩa đi theo quốc lộ 14 hơn 20km theo hướng đi TP HCM  đến TT Kiến Đức rồi rẽ phải khoảng 35km theo đường Tỉnh lộ 6 đi xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, đến ngã ba Bãi 2 rẽ trái hơn 2km nữa là đến đường nội bộ dẫn xuống thác.

Hướng thứ 2 là từ thị xã Gia Nghĩa đi theo Quốc lộ 14 khoảng 28km về hướng Buôn Mê Thuột rẽ trái khoảng 32km nữa theo đường Tỉnh lộ 6 đi xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Với diện tích  91,6 ha, thác Đắk G’lun tuyệt đẹp tung mình ở độ cao hơn 50m rồi được tẽ thành hai dòng nước treo lơ lững trên vách đá trông rất quyến rũ. Chiều rộng thác khoảng 15m, độ dốc: 900, chảy liên tục quanh năm, hơi nước tỏa ra trông giống như những hạt mưa phùn.

Đến với Đắk G’lun là đến với cảnh non nước hữu tình. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng. Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với muôn vàn dáng vẻ, tựa những vũ khúc điệu đàng. Khi mặt trời lên, những bụi nước lóng lánh làm thành những chiếc cầu vồng lúc ẩn lúc hiện. Thác Đắk Glun nằm trong cánh rừng đặc dụng, được bao bọc bởi hơn 1.000ha rừng nên hệ sinh thái ở thác rất đa dạng và phong phú.

11. Khu du lịch Tà Đùng

Theo quốc lộ 28 khoảng 45km về hướng Đông Nam đi Lâm Đồng, thuộc xã Đăk P’lao và xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45km là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với diện tích 22.103 ha, trong đó 86,7% là diện tích rừng xanh bạt ngàn. Đây là nơi lý tưởng cho các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi cho du khách.

Tà Đùng là dãy núi cao, với đỉnh cao nhất 1.982m, nằm giữa cao nguyên Đăk Nông và cao Nguyên Di Linh thuộc vùng địa lý sinh  học Nam Trung Bộ, đây là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực Miền Đông Nam Bộ. Có hệ thống sông Đồng Nai chảy qua và các dự án thủy điện Đồng Nai 3, 4 đang hoạt động tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.620ha mặt nước và hình thành nên 36 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo. Đây cũng là khu vực có sự đa dạng sinh học với trên 1.000 loài động thực vật. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk N’teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn và kỳ bí. Đứng trên cao, nhìn xuống những sườn dốc là các bon làng của bà con xã Đắk P’lao còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc nằm thấp thoáng trong mây mờ.

CHIA SẺ
Previous articleDu lịch Kon Tum
Next articleGia Lai mùa lá rụng

Comments are closed.